Để đảm bảo an toàn khi chở trẻ nhỏ bằng xe máy và tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra thì các bậc phụ huynh phải biết những mẹo sau.
Bằng việc phó mặc sự an toàn của con trẻ, bạn đã đặt con mình vào nguy hiểm, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cánh tay bé xíu của các thiên thần nhỏ ấy làm sao bảo vệ được bản thân khi có va chạm giao thông? Phải chăng đến khi tai nạn xảy ra, chúng ta mới ước gì mình đã cẩn thận hơn?
***Nguy cơ gặp tai nạn khi chở trẻ bằng xe máy
Ngã khi ngồi sau xe
Nguy cơ: Việc chở trẻ dưới 3 tuổi bằng xe máy tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Dù có thể đứng, ngồi hay chạy nhảy nhưng thực tế hệ cơ, xương của trẻ chưa đủ cứng, vững. Những cú xóc bất ngờ có thể khiến não hoặc các khớp bị tổn thương.
Ngay cả với trẻ lớn hơn việc di chuyển bằng xe máy vẫn chưa thực sự an toàn. Khá nhiều em có thói quen ngủ ngật khi ngồi sau xe. Lúc này, tay thường có xu hướng rời khỏi bố mẹ hoặc vật bám. Bên cạnh đó, yên xe thường khá rộng so với tầm vóc trẻ. Khi hai chân chưa thể kẹp vào yên, sự cân bằng phụ thuộc hoàn toàn vào đôi tay và tư thế ngồi. Quá trình xe chạy, trẻ thường lệch dần về một bên. Xe bị xóc, nghiêng hoặc thay đổi tốc độ đột ngột có khiến khiến các em ngã khỏi xe.
Phòng tránh: Trong tình huống bắt buộc phải đi bằng xe máy, bậc phụ huynh nên sử dụng các loại ghế chuyên dùng cho trẻ, lái xe với tốc độ chậm, ổn định. Với trẻ lớn hơn có thể sử dụng đai đeo cho đến khi chân bé chạm được tới vị trí để. Nếu cho trẻ ngồi trước, bạn nên chọn ghế có đai thắt an toàn và phần chân bắt dính với xe máy. Không nên chọn loại ghế mây, chỉ đặt hờ trên xe.
Trẻ bị kẹp chân vào bánh xe
Nguy cơ: Tai nạn này thường xuất hiện ở trẻ lớn. Do bản tính hiếu động thích đu đưa chân, bàn chân hoặc ống quấn mắc vào nan hoa bánh sau. Chân bị cuốn vào bánh, kéo các em ngã. Tai nạn gây nên tổn tương nghiên trọng ở chân như gẫy xương, nát bàn chân…
Phòng tránh: Trước khi di chuyển, bậc phụ huynh cần quan sát tư thế để chân. Nếu nhận thấy góc chân hoặc ống quần quá gần bánh cần nhắc trẻ để chân xa hơn. Quá trình di chuyển cần thường xuyên nhắc nhở tư thế để chân. Khi lái có cảm giác xe lắc khó kiểm soát, rất có thể lúc này trẻ đang thay đổi tư thế hoặc đu đưa chân.
Trong trường hợp không may mắn, bé bị kẹp chân, thì các mẹ cần phanh ngặt bánh sau và dừng xe. Lùi bánh quay ngược lại sẽ dễ rút chân hơn. Nếu không thể rút nhẹ nhàng, thì cần cắt nan hoa hoặc tháo bánh.
Vặn tay ga khi dừng xe
Nguy cơ: Nhiều phụ huynh khi dừng xe để trẻ xuống không kịp, hoặc chủ quan không tắt máy. Trẻ xuống bên phải có xu hướng cầm vào tay ga và nếu đó là xe tay ga sẽ hết sức nguy hiểm. Xe sẽ lao đi, làm cả hai cùng ngã.
Phòng tránh: Khi dừng xe, hãy ngay lập tức tắt máy và rút chìa khóa, sau đó bế trẻ xuống xe. Mặt khác, việc chú ý nhắc trẻ mỗi khi lên xuống là không thừa, hãy cho chúng biết bám vào tay ga là nguy hiểm. Tốt nhất là không nên cho trẻ đứng hoặc ngồi phía trước.
Hoặc nếu vì lý do gì đó không tắt máy được thì các mẹ nên giữ tay phanh (đối với xe ga) và giữ chân phanh (đối với xe số).
Riêng với xe số thì sau khi dừng lại, quay về số 0 và tắt máy để tránh trường hợp xe bị rồ máy lao đi.
Nguy hiểm do bụi hay côn trùng bay vào mắt con
Nguy cơ: Khá nhiều bậc phụ huynh sử dụng xe tay ga thường cho con đứng trước yên, kẹp giữa hai chân và coi đây là tư thế chắc chắn tránh được hiện tượng các em tự ngã. Nhưng thực tế đây lại là vị trí gây ra nhiều tổn thương. Dòng không khí đập thẳng vào mặt theo đó bụi bẩn hoặc côn trùng có thể lọt vào mắt. Mặt khác, khi phanh xe đột gột, toàn thân các em lao về phía trước, đầu có thể đập vào tay lái.
Phòng tránh: Thị trường kính, mũ, khẩu trang cho trẻ rất phong phú, thời trang.
Các mẹ nên trang bị đầy đủ cho con để bảo vệ con yêu tốt nhất trước những tác động bên ngoài. Một giải pháp tốt nhất vẫn là không nên để trẻ ngồi ở phía trước xe.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi di chuyển bằng xe máy, bạn phải ghi nhớ những điều dưới đây:
-Tuyệt đối không để trẻ ngồi một mình ở yên sau, vì trẻ nhỏ thường hiếu động, khó ngồi yên nên rất dễ xảy ra tai nạn.
- Đối với trẻ từ một tuổi trở xuống, nên dùng đai để cố định trẻ khi lưu thông trên đường. Nếu không, bạn có thể dùng khăn vải làm thành một túi đeo chéo để giữ chặt con. Bạn cần ôm con gọn trong lòng, không để chân hoặc đầu trẻ thò ra ngoài tránh xe cộ va quệt chúng. Bạn không muốn con bị gãy tay, chân hoặc chấn thương sọ não chứ?
- Nếu con bạn từ ba tuổi trở lên, bạn nên cho bé đội mũ bảo hiểm khi ra đường. Đặt trẻ ngồi giữa cha mẹ, bạn giữ chặt bé bằng hai tay và không cho con ló đầu ra ngoài.
- Không để trẻ đứng trên xe với bất cứ lý do nào.